Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn về 2050 về việc xây dựng 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Việc triển khai thực hiện các dự án này là giải pháp dài hạn giúp tăng kết nối giao thông thủ đô.
Xây dựng 10 cây cầu bắc qua sông Hồng
Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 14 cây cầu qua sông Hồng và sông Đuống. Trong đó có tới 10 dự án cầu bắc qua sông Hồng, bao gồm: Cầu Việt Trì – Ba Vì; cầu Vân Phúc; Hồng Hà; cầu Thượng Cát; cầu Tứ Liên Đông Anh; cầu Trần Hưng Đạo; cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2); cầu Ngọc Hồi; cầu Mễ Sở và Phú Xuyên.
Mở đầu trong số đó là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được triển khai xây dựng từ đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư khoảng 2.5 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ góp phần quan trọng vào việc làm giảm ùn tắc, đồng thời thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực phía Bắc sông Hồng.
Cùng với Vĩnh Tuy 2, Hà Nội cũng chuẩn bị các bước tiếp theo nhằm triển khai thêm 5 dự án khác qua sông Hồng và sông Đuống. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, việc bố trí vốn cho các dự án này gặp phải không ít khó khăn.
Trước khi khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2, UBND TP Hà Nội đã từng đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù để xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống bởi những dự án này có tổng mức đầu tư lên tới khoảng 2,6 tỉ USD (khoảng 57.000 tỷ đồng).
Thêm những cây cầu bắc qua sông Hồng – giải pháp dài hạn
Bên cạnh cầu Vĩnh Tuy 2, dự án các cầu bắc qua sông Hồng khác được đánh giá là tạo sự khép kín, liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3.5 và 4, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc mở ra hướng phát triển mới cho đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.
Trước đó, các cây cầu qua sông Hồng như Long Biên, Chương Dương… cũng đã giải quyết được các vấn đề về giao thông, liên kết vùng, khai phá tiềm năng từ quỹ đất… Những cây cầu đã kết nối vùng nội đô với các khu vực ven đô, kết nối các nguồn lực của các vùng. Thực tế đã cho thấy sự xuất hiện của các cây cầu đã giúp Hà Nội thành lập được quận Long Biên ngày nay.
Tương tự, một số cây cầu khác như Thăng Long, Nhật Tân… đều thực hiện tốt chức năng kết nối, liên thông các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tất cả giúp thúc đẩy khai thác tiềm năng quỹ đất, nhân lực, vật lực. Trong thời gian sắp tới, sự xuất hiện của những cây cầu mới sẽ tạo nên việc liên kết vùng tốt hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều nước trên thế giới chú trọng xây dựng các cây cầu và biến khu vực đó trở thành điểm du lịch, văn hoá nổi tiếng. Vì vậy, ngoài giải quyết vấn đề giao thông, kinh tế, Việt Nam cũng nên có kế hoạch dài hạn về việc quy hoạch cầu bắc qua sông Hồng dài hạn để xây dựng những tâm điểm du lịch mới.
Theo đó, mỗi cây cầu bắc qua sông Hồng được xây dựng sẽ là một biểu tượng riêng, đại diện cho một nét văn hoá, một phong cách kiến trúc riêng biệt.
Tin liên quan >>> Bất động sản hưởng ưu thế khi cầu Tứ Liên hoàn thành